Thursday, 3 March 2016

Ngày thứ 2(26-01-2013):

GIANG ĐIỀN VẪY GỌI TA
Người ghi chép: Tui - Con của mama
Người chỉnh sửa: Mama
Bỏ qua những bộn bề của cuộc sống cùng những công việc dang dở, chúng tôi lại một lần nữa vác ba lô lên và bắt đầu khám phá vùng đất mới. Vì một số trục trặc kỹ thuật nho nhỏ trên đường từ nhà đến nhà mama nên tui đi trễ hơn so với lịch đã hẹn (8h30). 9h kém 10 mới lò mò đến…gửi xe xong xuôi là 2 đứa (gọi mama là đứa luôn hí hí) ghé trạm thức ăn (không phải thức ăn gia súc đâu nha) nạp năng lượng cho buổi sáng “hai ổ bánh mì” J
Phương tiện đi lại lần này được nâng cấp, chúng tôi không dám hào hùng cưỡi ngựa sắt chạy rong giữa trời nắng chang chang nữa. Lần này chúng tôi đi xe to và có tài xế riêng, đó chính là xe bus.
Ngồi nói chuyện huyên thuyên vu vơ 2 đứa ngơ ngơ nên bác tài nhắc xuống trạm Bến Thành mà vẫn chưa chịu xuống. Chạy khỏi Bến Thành mới lân la hỏi bác tài sao không bỏ tụi con xuống Bến Thành mà chạy luôn. Ổng bảo tui nhắc rồi mà 2 cô ngồi chăm chỉ nói chuyện quá nên không nghe (ý là nhiều chuyện, nói gì mà từ lúc lên xe , ăn bánh mì mà cũng không để cái miệng ngừng nói haha). Ổng lại hỏi tuyến tiếp theo đi đâu? – Dạ đi số 12 ạ (mama tiếp lời). Được rồi để tui bỏ 2 cô xuống trạm kia để đón xe số 12. Tưởng đâu hay, sao bỏ mình đến trạm đón số 12 liền được. Ai dè ổng bỏ đến 1 bến khác gần Bến Thành, lại phải đón 1 tuyến khác từ đây đến Bến Thành, mất 10k tiền ngu haha.
Trong lúc 2 má con chờ đón bus, nghe văng vẳng bên tai giọng nam trầm ấm áp, hát nhạc sống, mình tấm tắc khen ai hát mà hay vậy. Chạy lại gần đám đông, thì ra đây là cuộc thi diễn văn nghệ của công ty TNHH vận tải TP.HCM, chính là công ty xe bus mà hàng ngày mọi người vẫn đi ở Sài Gòn. Thi ban ngày, buổi sáng, không gian mở, tiếng piano trống xẻng xập xình, giọng hát thì trong trẻo, bay bổng như tiếng chim sơn ca cất tiếng hót vào mỗi buổi sáng. Dù đám đông chưa thật sự đông nhưng những tràng pháo tay không ngớt kết thúc mỗi màn biểu diễn lại làm cho không khí sôi động hẳn lên. Hên quá 2 đứa được nghe 3 bài luôn nà: Gửi nắng cho em, Nhạc rừng và Mùa xuân đầu tiên.
(Hội thi Văn nghệ của công ty TNHH vận tải TP.HCM)
Thôi lo đi không thì trễ - giọng mama vang lên từ phía sau. Ừ thì đi (nhưng vẫn muốn nghe nghiệp dư mà hát nghe đã tai quá)
Đón tiếp xe qua Bến Thành, ông tài xế lái vòng vòng, mama hỏi sao không xuống Bến Thành, thằng thu vé bus nói “Lộn xe rồi em”. Hai đứa nhìn nhau bảo, sao ông bảo vệ hồi nảy chỉ đi xe 20 mà. Có thằng nhóc ngồi phía sau cười khúc khích bảo: phải lái vòng lại. Vậy là từ hiểu thằng cha thu vé nói xạo, đường cấm không được đi phải vòng qua đường khác thì cũng nên nói người ta một tiếng, đằng này lại còn gạt con nít nữa (phải con nít không ta, sao bị gạt hoài vậy ta). Haizza hai đứa lớn rồi mà cứ bị lừa…Hay là ổng thấy hai đứa dễ thương nên ghẹo??? Dám lắm àh nghe, bởi vậy người ta thường nói: Đẹp cũng khổ (tự an ủi hihi). Vừa bước xuống Bến Thành là gặp xe 12 leo lên luôn. Bà mama ngồi ngay sát cửa sổ, nắng quá nên ngồi trùm kín mít, đeo kính đen nữa, nhìn khác nào thằng mafia haha…
                                                                                                          
           (Mafia chính hiệu đây J)
Hai đứa tranh thủ chợp mắt trên đường đi vì cảnh vật hai bên hoàn toàn quen thuộc mà không mới lạ như đường đi Cần Giờ. Và cũng vừa tranh thủ lấy lại sức sau một ngày ăn chơi sa đọa trước đó tại Cần Giờ. Đánh xong một giấc ngon lành, không biết mama có ngon giấc không vì cái cửa sổ nắng quá, tội ghê.
Xe bus đỗ chúng tôi ngay tại cổng Thác Giang Điền, lúc đó cũng đã quá 12h. Chúng tôi lặng người vì khung cảnh thơ mộng hiện ra trước mắt. Hai đứa dừng chân bên bãi cỏ cạnh dòng suối mát lạnh chảy len qua những hòn đá, không chút do dự để tận hưởng hết cái cảm giác khoan khoái mát mẻ mà thiên nhiên đã ban tặng. Sự nóng bức lúc ngồi trong xe bus cùng những bực bội trong cuộc sống dường như đã vô tình tan biến. Lúc này trong lòng chúng tôi chỉ có cảm giác yên bình đến lạ. Vẫn cái sự đam mê hồn nhiên mỗi lần đi du lịch, chúng tôi lôi máy ảnh ra không bỏ sót bất kỳ góc độ nào của bức tranh mê hồn này. Tôi còn không do dự nằm dài ra bãi cỏ bảo mama chụp hình cho nữa.
(Bãi cỏ nơi tác nghiệp đầu tiên)
Nghỉ ngơi đôi chút, chúng tôi lại vác ba lô hướng về quầy vé thẳng tiến. Con đường dẫn vào trong được lát đá một cách tỉ mỉ và tinh tế. Hai bên đường là hàng keo xanh rờn đôi lúc khẽ rung rên theo làn gió nhẹ. Cảnh tượng y hệt như một bức tranh trong phim Hàn Quốc lãng mạn. Tôi tranh thủ chụp được một tấm rất đẹp bên hàng cây keo, mà sau này chỉ cần photoshop một chút cho có chất thu là y như rằng vừa đi Hàn Quốc về vậy. Thật không bỏ công đi đến nơi này. Chúng tôi không men theo đường mòn lát đá mà rẽ xuống con đường nhỏ cạnh dòng suối để tiến vào trong, khám phá những điều còn chưa biết.
(Con đường lát đá và hàng keo lãng mạn)
Đi mãi cũng chẳng thấy cái thác đâu, lúc này chúng tôi chợt nhận ra mình vẫn còn chưa được ăn bữa trưa. Vì mải mê chụp hình mà quên cả đói. Nhưng lúc này đã 2h chiều, bụng cồn cào không thể chịu nổi. Chúng tôi tìm một quán, ngồi lại ăn dĩa cơm rồi mới tiếp tục lên đường. Đến lúc này hai mẹ con đã có phần tỉnh táo, phấn chấn hơn, tiếp tục đi thẳng theo con đường mòn. Đứng trên một khoảng sân rộng có lan can, chúng tôi nhìn thấy bên dưới là dòng thác, nước không ngừng chảy xiết. Những con người nhỏ bé đang thích thú tắm mát dưới ngọn thác đang tung bọt trắng xóa. Có thể tưởng tượng được cái mát rượi giữa buổi trưa oi bức như thế này nếu như được hòa mình vào dòng nước kia. Chúng tôi co chân chạy nhanh xuống phía dưới, góp mặt thêm vào đám người nhỏ bé đó.

            (Thác Giang Điền nhìn từ xa)
Tháo giày ra, chúng tôi tung chân vào làn nước trong veo mát lạnh, thích thú vẫy vùng như những con cá vừa gặp nước. Cảm giác thật khoan khoái và dễ chịu. Vẫn là muốn trầm mình vào dòng thác kia, đưa người hứng từng giọt nước chảy từ đầu xuống chân, cảm nhận dòng thác ngay trên đỉnh đầu mình, để rửa sạch tất cả bụi trần. Nhưng do chưa chuẩn bị kỹ nên không thể thực hiện điều đó. Cũng thật đáng tiếc…
           (Hai mẹ con tạo dáng trên cầu)
Vì đi xe bus nên thời gian chơi đùa bị hạn hẹp đi nhiều, 4h chúng tôi phải chạy ra bến xe bus cho kịp chuyến cuối cùng. Ấy vậy mà trên đường đi ra, vừa đi vừa chạy, cũng lại vừa chụp hình, đúng là đam mê, không muốn bỏ sót một cảnh đẹp nào. Phải nói là chụp hình nhanh như điện, mama thấy chỗ nào đẹp là lao tới ôm cây, ôm cột đèn, còn tôi thì cũng nhanh tay bấm máy không kém. 

            (Ôm cây, ôm cột điện)

Ra tới bến xe bus cũng vừa kịp lúc xe chuẩn bị lăn bánh, trễ chút nữa là bị bỏ lại rồi. Trên đường về chúng tôi cũng tranh thủ ngủ nghỉ sau một ngày ăn chơi mệt nhọc.
Về đến Sài Gòn cũng vừa nhá nhem tối, hai mẹ con đi tìm chút gì ăn. Vì hai ngày đi chơi đã vắt cạn hầu bao ít ỏi của chúng tôi, nên cả hai thỏa thuận tối nay chỉ có thể ăn hủ tíu gõ gần nhà mama. Quán hủ tíu gõ bên đường là một địa điểm vô cùng thuận lợi vì vừa được ăn đã miệng lại vừa được xem đã mắt. Theo lời mama, con đường ngắn đó chính là nơi tập luyện mỗi tối của đội lân Trung Nghĩa Đường, cái tên nghe rất ư là tàu, nghe cứ như trong phim chưởng Hong Kong ấy, ấy vậy mà nghe ý nghĩa vô cùng. Cứ mỗi khi gần Tết hàng năm họ đều luyện tập múa lân và múa rồng phục vụ cho nhu cầu giải trí trong dịp Tết. Chúng tôi ăn xong thì đội lân cũng vừa chuẩn bị xong và bắt đầu tập luyện. Hai mẹ con tôi nán lại xem cùng những người đi đường cũng dừng xe lại vây kín khu tập luyện.

(Quang cảnh xem múa lân)
Màn biểu diễn bắt đầu, con lân đỏ chói bắt đầu uyển chuyển bước đi trên những cây cột cao gần 2 mét. Nhìn những cây cột cao nhô lên cách xa nhau như vậy, những người trần mắt thịt như chúng tôi khó mà bước đi bình thường được huống chi là phải chui dưới bộ da lân như thế kia. Trong lòng vô cùng thán phục. Những tràng pháo tay động viên vang lên ầm ầm. Nhưng khi đến động tác khó, khi con lân nhảy sang những cột ở phía xa hơn, bất ngờ bị rơi xuống đất, người cầm đầu lân té ngã ngửa. Tuy vậy những tràng pháo tay lại càng vang lên dữ dội thể hiện sự động viên mạnh mẽ. Hai người điều khiển lân đã đứng dậy tiếp tục trèo lên cột để thực hiện lại động tác khó này. Lần này cú nhảy vô cùng đẹp mắt rơi đúng vào cột cần rơi, làm khán giả vỗ tay rầm rầm thán phục. Tôi thầm thán phục sự nỗ lực của các bạn, cán bạn đã đứng dậy sau cú ngã và tự tin hơn để thể hiện bản thân. Đó chính là những điều chúng ta cần học tập trong cuộc sống này. Những cú ngã có thể làm bạn đau nhưng những bài học mà nó mang lại sẽ giúp bạn trưởng thành hơn. Vì vậy hãy biết đứng lên sau những vấp ngã trong cuộc đời, như thế con đường thành công của bạn sẽ không phải là điều gì đó xa vời.
Hai ngày đi chơi đã vắt cạn sức lực trong người hai mẹ con. Thế là không ai bảo ai, kế hoạch đi Bò Cạp Vàng vào ngày tiếp theo cũng tự nhiên bị hủy bỏ. Thay vào đó chỉ là buổi đánh cầu lông nhẹ nhàng tại công viên Lê Thị Riêng, và chúng tôi cũng đã phát hiện ra nhiều điều thú vị tại đây. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Tạm biệt Thác Giang Điền chúng tôi lại trở về và đối mặt với những bộn bề công việc giống như mọi ngày. Nhưng bằng một thái độ hoàn toàn không giống mọi ngày mà là thái độ của những con người tràn đầy sức sống của những bài học từ những chuyến đi. JJ
                                                            -----The End-----

CẦN GIỜ BIỂN ĐỢI


Ngày thứ nhất (25-01-2013):
CẦN GIỜ BIỂN ĐỢI
Người ghi chép: Mama
Sáng 25/01, chúng tôi từ Sài Gòn xuất phát đi Cần Giờ muộn hơn dự định. Theo lịch hẹn là 7h30, nhưng gần 8h30 mới bắt đầu khởi hành. Chúng tôi gồm 2 người (vẫn xưng hô với nhau là mẹ con) chở nhau trên chiếc xe gắn máy, đi đường Nguyễn Văn Linh rồi ngang qua Phú Mỹ Hưng còn định dừng xe cạnh bờ sông để chụp hình nhưng vì không có chỗ để xe và sợ mất xe nên thôi (theo lời con gái thì gần tết rồi trộm cướp nhiều, sợ chúng nẫng đi chiếc wave của mama thì nguy). Trong người 2 mẹ con chỉ còn hơn 100k, vốn định rút tiền sợ sau khi qua phà không có chỗ để rút, nhưng tìm mãi không thấy ATM đâu (mặc dù lúc đầu do chảnh nên đã bỏ qua nhiều máy ATM). Cuối cùng thì cũng tìm được 1 trạm Agribank trên đường Huỳnh Tấn Phát. Nhưng chuyện gì xảy ra bên trong buồng máy ATM thì không rõ vì người ghi chép lúc này không theo sát đối tượng hihi. Đùa chút chôi. Sau đó chúng tôi đã yên tâm vì đã có tiền trong tay để đi tiếp.
Khi đến phà Bình Khánh chúng tôi khá ngố ngáo vì lần đầu tiên đi xe máy qua phà, mà xui xẻo lại là người đứng ở đầu dòng người đợi phà. Sau khi cửa mở chúng tôi phóng xe máy qua, thật không ngờ đó lại là cửa dành cho người đi bộ. Tên bảo vệ chặn chúng tôi lại hỏi đi đâu đây làm chúng tôi được một trận quê ê chề trước mặt bàn dân thiên hạ, có vài tên dở hơi cứ nhìn chúng tôi cười nhạo. ÔI thật là quê chỉ muốn độn thổ cho rồi. Cuối cùng xe máy cũng được lên phà, chúng tôi vui mừng vô cùng. Cảm giác lênh đênh trên sông nước thật yên bình.
(Phà Bình Khánh)
Đúng là một ngày bình yên thật vì chúng tôi đã bỏ tất cả công việc mà đi, giống như đang chạy trốn khỏi sự ồn ào của Sài Gòn để đến một miền quê hẻo lánh nào đó. Cũng hẻo lánh thật, vừa qua phà chính là địa phận huyện Cần Giờ. Con đường đưa bước chân chúng tôi đi là con đường mang tên Rừng Sác dài lê thê dừng như không có điểm dừng. Chúng tôi chạy mãi, chạy mãi nhưng đôi lúc cũng dừng lại bên đường chụp hình vì không thể bỏ qua cảnh đẹp của thiên nhiên.
(Con đường chúng tôi đi)
Những rừng dừa nước xanh mướt vươn người giữa bùn đất nhớp nháp, những con người trầm mình trong bùn lầy bắt ốc mò tôm. Cảnh làng quê yên bình là thế, giản dị mà đẹp đến vô cùng.
(Rừng dừa nước)
Chúng tôi đang chạy ngon lành thì nghe “Tuýt, Tuýt”. Chúng tôi giật mình nhưng không nghĩ mấy anh CSGT thổi mình mà cứ tưởng thổi người đi cạnh mình. Không ngờ tiếng còi vẫn cứ kêu lên khi chúng tôi vượt qua người đi đường khác. Chúng tôi hồn nhiên nhìn qua bên kia đường thì thấy anh CSGT cũng đang hồn nhiên chĩa dùi cùi về phía chúng tôi. Chúng tôi chạy xe qua đường và dừng xe lại. Anh CSGT lịch sự chào chúng tôi rồi yêu cầu đưa giấy tờ. Chúng tôi chần chừ vì không biết mình đã phạm tội gì. Đưa giấy tờ cho anh í kiểm tra xong. Anh CSGT cảm ơn chúng tôi rồi để chúng tôi lên đường. Thì ra chỉ là kiểm tra giấy tờ vậy mà làm mình một phen hú vía. Con đường phía trước hai bên là rừng đước thẳng tắp, rễ găm sâu vào trong bùn lầy, nhấp nhô đan xen vào nhau, có những chồi rễ còn đâm từ dưới bùn lầy như những ngọn chông thời kỳ còn kháng chiến.
(Rừng đước bên đường Rừng Sác)
(Chông rễ đước)
Con đường phía trước mặt như đang đưa lối dẫn bước chúng tôi tới chân trời. Con gái tôi ham hố hăm hở dừng xe lại “chộp” hình để ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời này.
(Đường Rừng Sác dài 36 km)
Đường đi vô cùng vắng vẻ, chúng tôi cố tình chạy bám đuôi theo người khác cho đỡ sợ. Đến Rừng Sác-Đảo khỉ hai mẹ con phân vân không biết bên trong có gì chơi không vì thấy vài người chạy vào nhưng không vào chơi mà chạy ra ngay. Chúng tôi đến hỏi chú bảo vệ, chú ấy bảo bên trong có nhiều khỉ lắm vào xem thử đi. Chúng tôi cũng tò mò, mặc dù tôi mang tiếng là mama nhưng rất sợ khỉ hihi. À quên lúc chưa vào đảo khỉ thì đã bị một chú khỉ vô tư nhảy lên xe tôi ngồi, tôi giật mình rồ máy chạy mất dép. Sợ khỉ lắm. Tuy vậy chúng tôi vẫn quyết định mua vé vào xem khỉ vì tò mò. Vào bên trong, câu chuyện vui mới thực sự bắt đầu. Con gái rất thích khỉ, ngồi chơi với khỉ, chụp hình với khỉ nhìn thân thiện giống như 2 người bạn thân thiết hehe…
(Hai người bạn thân ^^)
Rừng Sác có quá nhiều cảnh đẹp để chụp hình, hai mẹ con pose hết cỡ, hết kiểu dáng, nào là leo trèo như người nhện, đu cây như khỉ, lại còn dang tay dang chân như siêu nhân ấy. Con gái đang tạo dáng bên những rễ cây ngon lành thì một chú khỉ chạy lại chộp ngay chiếc giày của con gái, mama chỉ kịp thẫn thờ nhìn nó mang lên cây. May mắn có anh bảo vệ đi tới, thế là anh hùng ra tay cứu mỹ nhân. Anh ta la con khỉ một tiếng nó hoảng hồn quăng luôn chiếc giày. Tưởng chừng chiếc giày đã rơi tỏm xuống sông. Nào ngờ chuyện xảy ra như trong phim, chiếc giày nhờ cái gót cao đã vướng lại trên một nhánh cây đung đưa tòn teng. Anh bảo vệ chỉ việc với tay ra lấy, con gái vui mừng vô cùng còn con khỉ thì chạy trốn mất tăm. Đáng tiếc lúc đó hoảng loạn quá nên không kịp nhớ chụp hình lại. Chiếc giày bị nó cắn cái mũi làm mấy dấu to tướng. Sau này mỗi lần lấy chiếc giày ra mang con gái chắc sẽ nhớ kỷ niệm này lắm đây. Hihi thật vui vì cuối cùng con gái cũng lấy lại được giày.
Tuy vậy, lúc này chúng tôi ai nấy cũng đói và mệt, nhưng trong khu này chẳng có thứ gì để ăn. Đi vào trong khu câu cá sấu làm thêm vài tấm hình nữa thì chúng tôi trở ra. Lúc chúng tôi mới vào, Rừng Sác vắng tanh chỉ có vỏn vẹn vài người khách. Nhưng lúc này đây, cả một trường THCS kéo vào mấy xe đò lớn, nhốn nháo ồn ào hết cả lên. Không khí lúc này náo nhiệt hẳn lên, mấy chú khỉ cũng được dịp tha hồ mà giật đồ ăn. Chúng tôi rời Rừng Sác lên đường đi Cần Giờ, từ Rừng Sác đến đó chỉ còn khoảng 7 km. Chúng tôi ra tới bãi tắm 30/4, vào quán giữ xe rồi kiếm gì đó ăn. Bữa ăn đạm bạc của chúng tôi chỉ có độc mộc dĩa mực xào sa tế thơm lừng.
(Bữa cơm đạm bạc)
Trong khi chờ đợi cơm, chúng tôi thấy chiếc xe bán kẹo kéo, kẹo chỉ, những kỷ niệm của tuổi thơ chợt ùa về trong suy nghĩ của mỗi đứa. Tôi chạy đến mua cho 2 mẹ con 2 cái kẹo chỉ, ăn xong cảm thấy vui vui, giống như được trở về quãng thời gian tuổi thơ ở quê nhà.
(Kẹo chỉ xinh tươi đê…)
Cơm nước xong xuôi chúng tôi tựa lưng nằm dài ra ghế thư giãn và cảm nhận làn gió biển mát rượi đến lạnh người. Tôi cũng không quên tặng con gái món quà sinh nhật nho nhỏ đã chuẩn bị tối hôm trước. Nhìn con gái ngạc nhiên trông thật mắc cười. Rồi 2 chúng tôi thêm thiếp chìm vào giấc ngủ trước mặt biển mênh mông và những con sóng ồ ập vỗ vào bờ như tiếng ru hời của người mẹ.
Chúng tôi tỉnh dậy, theo tiếng gọi của biển cả mênh mông, chúng tôi đi bộ dọc bờ biển chụp hình. Nước biển lạnh mát dưới chân tôi, như rửa sạch tất cả những bụi trần, lo toan, mệt nhoài mà có lẽ đã vô tình bị bám lên trên bước chân đi tìm kế sinh nhai giữa Sài Gòn bon chen đến nghẹt thở này. Gió thổi mái tóc rối tung lên, hơi gió mang theo hương vị mằn mặn của muối xác vào da thịt, ánh nắng đầu chiều chói chang soi rọi vào mặt chúng tôi.
(2 mẹ con pose hình)
Nhưng tất cả không làm ảnh hưởng đến niềm vui của chúng tôi, cũng như niềm đam mê ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất, mà trái lại còn làm cho mọi thứ trở nên hài hòa, làm nền cho những bức ảnh mà nhân vật chính là hai mẹ con chúng tôi. Chúng tôi còn thi chạy trên bãi biển. Hai mẹ con đều chơi chiêu, con thì vừa chạy vừa níu kéo mẹ, mẹ thì chạy đường tắt. Chúng tôi ngồi trên bãi biển lấy điện thoại ra và bắt đầu karaoke. Con gái thích thú cười tít mắt với phần mềm của mẹ. Lúc đầu do chưa quen nên hát thật mắc cười nhưng sau đó mọi thứ dường như tốt hơn nhiều.
Hát xong trời cũng xế chiều, chúng tôi lên xe định tìm gì đó ăn trước khi rời Cần Giờ nhưng may mắn đã không mỉm cười với chúng tôi khi mà những quán ăn dọc bờ biển đều không mở cửa vì không phải cuối tuần. Chúng tôi đành ngậm ngùi quay về Sài Gòn. Xe gần hết xăng, chúng tôi tìm cây xăng để đổ. Tìm mãi không thấy cây xăng đâu, con gái hỏi một bác bên đường, bác ta chỉ cho chúng tôi, chỉ cần nghiêng người chúng tôi đã có thể nhìn thấy cây xăng, vậy mà chúng tôi cũng hỏi, đúng là 2 mẹ con như 2 cô nàng ngổ ngáo.
Trên đường về cảnh vật cũng đẹp đến mê hồn. Đứng trên cầu thì một bên là ánh hoàng hôn lãng mạn, một bên lại là vầng trăng mờ tròn trịa trông thật ngộ nghĩnh và tráng lệ.
(Hoàng hôn trên sông)
Về đến phà Bình Khánh lần này đã có khinh nghiệm nên không bị quê nữa, lần này cũng không phải đợi phà như lần trước vừa may 2 chúng tôi là người cuối cùng được lên phà. Về đến Sài Gòn thì con gái chở đi tìm quán ốc “ngộ độc” trên đường Tôn Đản. Nhưng tìm mãi không thấy đâu, con gái bảo rằng: chắc chắn là nó bán đồ ngộ độc nên dẹp tiệm rồi. Thế là chúng tôi qua quán ốc Đào ăn, vì là con gái trả tiền nên ăn uống no nê, hai mẹ con ăn liền 1 dĩa ốc tỏi, bánh mì, 1 dĩa sò lông nướng và 1 dĩa ốc bông. No nê chúng tôi lên đường ai về nhà nấy nghỉ ngơi, chuẩn bị cho chuyến đi Thác Giang Điền hứa hẹn nhiều điều thú vị đang chờ đợi hai mẹ con khám phá.
Thế là kết thúc chuyến “Phượt” Rừng Sác-Đảo khỉ-Cần Giờ vui vẻ và thú vị. Người ta nói “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” quả không sai mà, chúng tôi chính là “đi để biết mình ngu” đó hihi… Đây sẽ là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên của hai mẹ con.
                                                                                ---The End---

No comments:

Post a Comment